Nội dung Cô_Ba_Sài_Gòn

Phần sau đây có thể cho bạn biết trước nội dung của tác phẩm.

Năm 1969, nhà may Thanh Nữ là nhà may áo dài nổi tiếng nhất Sài Gòn. Gia đình này 9 đời đều may áo dài. Bà chủ Thanh Mai có hai cô con gái: cô con gái ruột Như Ý và cô con gái nuôi Thanh Loan. Thanh Loan thích may áo dài nhưng Như Ý lại thích thiết kế đồ Tây, vì cô cho rằng áo dài đã quá xưa và chỉ có một kiểu. Bà Thanh Mai kêu Như Ý hãy học cách may áo dài nhưng cô không quan tâm, cô chỉ thích thiết kế đồ Tây. Sau khi thua bởi một chiếc áo dài trong cuộc thi thiết kế trang phục cho Madam Kiều Bảo Hân - “đệ nhất celeb Sài Gòn” thời bấy giờ, Như Ý càng thêm đố kị, nhất quyết không chịu học may áo dài và làm truyền nhân của tiệm may Thanh Nữ. Để con gái hiểu và thêm yêu chiếc áo dài truyền thống, bà Thanh Mai lấy tấm vải quý của gia tộc ra may thành chiếc áo dài cực kỳ đẹp, rồi để bên dưới nhà. Như Ý thấy chiếc áo dài đẹp quá (có đính tên Như Ý trên áo) nên lấy mặc thử. Một điều kỳ lạ đã xảy ra, khi cô mặc chiếc áo dài vào, miếng ngọc trên chiếc áo đã cuốn cô vào dòng thời gian, đưa cô đến năm 2017.

Khi bà An Khánh (chính là hiện thân của Như Ý) đang chuẩn bị tự tử thì Như Ý rơi xuống, đẩy bà ấy ngã và rồi miếng ngọc trên áo bị văng mất. Như Ý ngạc nhiên và hoảng hốt khi trước mắt cô là khung cảnh nhà may Thanh Nữ bị dỡ bỏ, nhà cửa tan hoang, không dám tin khi thấy chính mình trong tương lai, sợ hãi khi thấy Sài Gòn xưa của cô đã biến mất, thay vào đó là Sài Gòn 2017 văn minh hiện đại. Căn nhà trở nên hoang tàn, không còn là tiệm may Thanh Nữ náo nhiệt, thịnh vượng như ngày xưa. Bộ phim cũng tiết lộ khi bà Thanh Mai mất, Như Ý (hay chính là bà An Khánh) đã từng mở tiệm may đồ Tây, tuy nhiên lại không hợp thời nên đã sớm dẹp tiệm. Bà An Khánh trở thành kẻ nghiện rượu và dần tự chối bỏ chính mình nên mới đổi tên từ Như Ý thành An Khánh. Thanh Loan ra ngoài mở một tiệm may áo dài, sau này cô sinh hai đứa con: Helen và Tuấn. Helen bây giờ đang là nhà thiết kế thời trang nổi tiếng và quyền lực nhất Sài Gòn, còn Tuấn đang làm ở công ty của Helen.

Helen đồng ý giúp bà An Khánh giữ lại căn nhà, đổi lại Như Ý phải làm nhân viên cho Helen. Như Ý làm lao công một thời gian, chính Tuấn giúp cho cô làm quen với cuộc sống hiện đại này. Trong một bộ sưu tập mới của công ty Helen, Như Ý đã khẳng định bản thân trong việc thiết kế thời trang với các bộ đồ Tây của thập niên 1960, đúng với sở trường của mình. Đây cũng là cách để Như Ý tiếp cận với Trang Ngô - người mẫu nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn nhằm khẳng định bản thân, vực dậy thương hiệu nhà may Thanh Nữ lừng lẫy một thời. Do một lần nhỡ miệng, Tuấn vô tình tiết lộ cho Helen về việc Như Ý không biết may áo dài cộng thêm việc vốn ghen tị với Như Ý từ trước khi cô nổi bật hơn mình trong bộ sưu tập đồ Tây thập niên 60, Helen giao cho Như Ý công việc thiết kế áo dài. Về phần Như Ý, dù ghét áo dài nhưng cô cũng biết đây là cách duy nhất để vực dậy tiệm may Thanh Nữ, dựng lại cơ nghiệp cả đời của má nên cô chấp nhận học cách may áo dài. Với sự giúp đỡ hết lòng của bà Thanh Loan và tờ bí kíp lưu truyền mà má đã gửi lại trước khi mất, Như Ý và An Khánh đã dùng chính cách may áo dài truyền thống của nhà may Thanh Nữ để tạo ra bộ sưu tập áo dài theo phong cách thập niên 60 đẹp đẽ và đầy ấn tượng. Trong lúc buổi biểu diễn đang được tiếp tục, Helen từng có ý định thay đổi kịch bản để tên mình được vinh danh thay vì Như Ý nhưng bị Tuấn bắt được rồi yêu cầu cô sửa đổi kịch bản và suy nghĩ lại về hành động của mình. Cuối cùng khi buổi biểu diễn kết thúc, cái tên Như Ý được xướng lên và Helen đã kịp sửa chữa sai lầm của mình. Buổi trình diễn thời trang diễn ra thành công và Như Ý qua đã đã tìm lại được chính mình, tình cảm gia đình và tình yêu với chiếc áo dài truyền thống - quốc phục của đất nước.

Như Ý mặc chiếc áo dài có miếng ngọc, miếng ngọc kỳ diệu đó lại cuốn cô vào dòng thời gian, đưa cô về lại năm 1969. Cô gặp lại bà Thanh Mai, cô ôm lấy mẹ mình rồi nói xin lỗi rồi nói với mẹ mình rằng mình đã biết may áo dài. Hai mẹ con sau đó mở nhạc lên và đứng nhảy.

Trong đoạn cảnh hậu Danh đề, truyền nhân thứ 20 nhà may Thanh Nữ đi tham quan xung quanh nhà mình và có những câu cửa miệng rất giống Như Ý như "Ô la la" và cuối cùng nói "Hết rồi!" để kết thúc bộ phim.

Hết phần cho biết trước nội dung của tác phẩm.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cô_Ba_Sài_Gòn http://www.epomi.com/lam-dep-thong-minh/tai-sao-co... http://www.epomi.com/lp/co-ba-sai-gon-2017/ http://www.imdb.com/title/tt7514020/?ref_=nm_flmg_... http://mtvwe.com/mtv-buzz/am-nhac/dong-nhi-jun-wil... http://www.vascara.com/tai-tro/vascara-dong-hanh-c... http://www.oaff.jp/2018/en/program/c13.html http://www.oaff.jp/2018/en/program/index.html http://www.biff.kr/eng/html/event/event_01_view.as... http://www.biff.kr/eng/html/program/prog_view.asp?... http://gioitre.baodatviet.vn/Co-Ba-Sai-Gon-nhi-nha...